Chợ Bến Thành - Đưa ánh sáng về lại dòng thời gian

Có những cái tên đã trở thành một phần của lịch sử. Bến Thành là một trường hợp như vậy. Dù ngôi chợ với hình dáng như hiện nay được dựng lên từ 1912 và khai thị lần đầu năm 1914, nhưng địa danh Bến Thành đã song tồn với thành Gia Định trước 1835.

Bao đời thương nhân và lữ khách đi qua, ba đợt trùng tu lớn (1952, 1985, 2022) vẫn giữ lại phong cách tiêu biểu của chợ Bến Thành. Nó sừng sững ở trung tâm Saigon, như một chứng nhân sống động vượt thời gian. Tháp đồng hồ và mái chợ đã được đưa vào biểu tượng không chính thức của Thành phố Hồ Chí Minh. Các tấm phù điêu vuông bằng gốm phủ men trên mặt tường quanh chợ là một yếu tố độc đáo cần bảo tồn.

Nhà lồng trung tâm (Les Halles Centrales) - 1921

Để làm đẹp công trình này bằng ánh sáng nhân tạo, điều quan trọng là phải : 1) đặc tả kiến trúc, 2) nhắc lại lịch sử, 3) tái hiện hình thể tiêu biểu của nó trong màn đêm.

Chợ trung tâm (Marché Central) - 1940

Tháp đồng hồ 4 mặt, với mái ngói hình chóp, là thứ dễ nhận diện nhất từ xa. Nó vừa biểu thị dòng thời gian, vừa cho thấy sự trường tồn của chợ qua nhiều đời thị dân Sài Gòn. Đây là yếu tố đặc trưng nhất và trung tâm nhất của công trình. Hệ thống đèn đánh nổi các mặt đồng hồ, nhấn nhá vừa đủ trên các họa tiết đắp tường, và đặc tả 4 sống gân ngói cùng chóp nhọn trên mái

Chợ Bến Thành - 1973

Các đường vòng cung trên mặt tường, chạy suốt các mặt tiền, là nhóm yếu tố hình thể khác cần lưu ý. Dẫu không tồn tại trong phiên bản nguyên thủy của kiến trúc chợ Bến Thành, chính đường vòng cung này đã tạo sự kết nối thị giác liên tục theo phương vị ngang (horizontal), tạo nét tương phản vừa đủ với phương vị dọc (vertical) hình thành bởi khối vuông thẳng đứng của tháp đồng hồ và các đường gân đắp nổi ở mặt tiền chính. Ánh sáng mỹ thuật nhấn mạnh toàn bộ phần diềm đó, biến nó thành một kiểu arcade (hàng cột đứng, đỡ hệ mái vòm cong) giả lập như kiến trúc mặt phố lớn ở các nước Tây Âu.

 

 

Cuối cùng là nhóm ô vuông trên các bức tường ở 4 cổng, tượng trưng cho các khu vực buôn bán sản phẩm từ xưa. Những tấm phù điêu thể hiện bò, heo, cá, mực, gà … từng được nghệ nhân người Việt nung rồi ghép kỹ từng miếng gốm tạo hình vào đợt trùng tu 1952, nay đã trở thành điểm nhấn trên mặt tiền các cổng chợ. Các ô vuông bông gió được tạo hình cách điệu hoa văn dạng sóng cũng góp phần “mềm hóa” phần tường của các cổng. Hệ thống đèn LED được thiết đặt khéo léo ở cự ly cực gần đã ôm trọn và tái hiện sinh động toàn bộ bề mặt lồi lõm cũng như đường nét độc đáo của các con vật, có đủ nét buông nét nhấn như một tác phẩm trưng bày trong bảo tàng. Thủ pháp chiếu sáng đó cũng được áp dụng cho các bông gió nhưng với ánh sáng “lạnh” hơn, đem lại sự bổ sung hiệu ứng cho các phù điêu. Như thế, chợ Bến Thành vừa dễ được nhận diện từ xa, vừa duy trì sự hài hòa cho bức tranh chung.

Với nhà thiết kế chiếu sáng – ông Nguyễn Quang Đồng, điều khó nhất là vượt qua định kiến rằng chiếu sáng hiện đại muốn đẹp phải dùng LED đổi màu. “Chợ Bến Thành từng được trang hoàng bằng ánh sáng neon sign đa sắc, viền dọc các cạnh tạo khối của mặt chính diện. Dĩ nhiên nó đem lại phong cách vui tươi sinh động cho hoạt động mua bán. Thế nhưng đã đến lúc ta nên thay đổi, trở lại với giá trị cốt lõi, đề cao kiến trúc và lịch sử, nhằm trả lại cái hồn cho nơi này. Sau đó, vẫn còn nhiều cách khác để tạo sự sinh động bằng ánh sáng ban đêm cho chợ nhưng theo phong cách mới, trong bối cảnh đô thị mới mạnh mẽ hơn, mang tính kết nối cao hơn”.

Lùi ra xa mà ngắm, người xem có thể thấy hệ thống chiếu sáng mới lắp đặt đã chú trọng nhiều hơn đến hình thể và đường nét kiến trúc, đáp ứng yêu cầu thưởng ngoạn của công chúng, góp phần làm đẹp cảnh quan cho cả Quận 1 lẫn Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay, điều còn thiếu duy nhất trong bức ảnh ban đêm về chợ Bến Thành, là hệ thống mái trải rộng nhấp nhô như làn sóng phía trên các gian lồng chợ. Do đã có kế hoạch gia cố-thay thế, chiếu sáng mỹ thuật đợt này chưa chạm đến nó. Hy vọng rằng trong một tương lai không xa, “khoảng trống về ánh sáng” này sẽ được lấp đầy. Tóm lại, chiếu sáng mỹ thuật (CSMT) kiến trúc mặt ngoài chợ Bến Thành dịp 2/9/2023 là một nỗ lực đáng quý, không chỉ trên bình diện bảo tồn và phát huy giá trị di sản mà còn giúp làm đẹp cảnh quan đô thị, tạo thêm điểm check-in ban đêm cho khu vực trung tâm Thành phố. CSMT nêu bật giá trị cổ điển của phong cách kiến trúc, đánh nổi chi tiết các phù điêu, làm đẹp có trọng điểm cho tháp đồng hồ. Ánh sáng nhã nhặn, tôn tạo mỹ quan, phân lập chính-phụ, nhấn nhá đường nét … đã mang lại cho chợ Bến Thành một diện mạo mới, mà vẫn trung thực với kiến trúc và trân trọng lịch sử. Người dân Saigon có thêm một khung ảnh phi thời gian, Quận 1 có thêm một điểm neo du khách, chợ Bến Thành có thêm sức hút với hoạt động kinh tế đêm. Đó là những lợi ích - cả hữu hình lẫn vô hình - mà công trình này mang lại.

-----------------

QuasarLum (www.quasarlum.com), công ty thành viên của tập đoàn Điện Quang, hân hạnh là tác giả (thiết kế chiếu sáng, cung cấp vật tư chuyên dụng) công trình chiếu sáng mỹ thuật chợ Bến Thành. QuasarLum chuyên cung cấp giải pháp chiếu sáng giá trị cao cho các công trình kiến trúc, cảnh quan, di tích, bảo tàng, quy hoạch đô thị.