Thế giới quan của …võng mạc

Thế giới quan của.. võng mạc.

Tựa đề này nghe có vẻ buồn cười, nhưng nó lại rất thật và cần thiết. Mọi “câu chuyện” về ánh sáng mà chúng ta có trong đời đều bắt đầu từ con mắt và thông qua con mắt. Không có gì là quá đáng khi nói rằng nếu muốn thật sự bàn chuyện ánh sáng, ta cần hiểu rõ cái cách mà mắt mình nhìn nhận thế giới xung quanh. Đối xử với cặp mắt một cách chính xác và có hiểu biết chính là câu trả lời tốt nhất để duy trì khả năng hưởng thụ cuộc sống. 

Phần lớn thông tin chúng ta tiếp nhận từ thế giới xung quanh là qua ngả thị giác, mà đáy mắt của con người có bộ phận quan trọng là võng mạc, nơi tiếp nhận mọi tín hiệu ánh sáng bên ngoài vào. Ở đây ta không đi sâu vào cấu tạo mắt người hoặc thần kinh thị giác, nhưng cần nhấn mạnh một chi tiết : thực chất võng mạc bạn không nhận được thứ gì khác ngoài ánh sáng : tất cả những gì bạn thấy – hình thể, màu sắc, đường nét, đậm nhạt … - chẳng qua đều là tín hiệu ánh sáng phản ánh vào võng mạc và được não bạn giải mã ra thành thông điệp hiểu được. Thông điệp đó có rõ ràng hay không là tùy thuộc vào độ chính xác của hình ảnh được võng mạc truyền đến não, hay cái gọi là độ nhạy thị giác (visual acuity). 

 

Độ nhạy thị giác.

Đại lượng này bị chi phối bởi cường độ, độ tương phản, và thời gian tiếp nhận … ánh sáng đi vào võng mạc. Muốn thấy rõ đối tượng cần quan sát thì không đơn giản tăng sáng lên là đủ, mà còn phải đảm bảo sao cho không gây chói lóa bất tiện (discomfort glare), các mảng màu không quá gần nhau về sắc độ và đường nét, và người quan sát có đủ thời gian tối thiểu để nhìn thấy đối tượng.

Có thể áp dụng điều này vào việc bố trí ánh sáng cho không gian sống hoặc không gian làm việc của bạn. Đừng để nguồn sáng trực tiếp hoặc phản chiếu lọt vào tầm nhìn và phát quang ngược với hướng nhìn của mình, là biện pháp đơn giản nhất giúp tăng độ nhạy thị giác, giảm cảm giác khó chịu, loại bỏ khả năng suy giảm thị lực.

 

Nhìn chung, bạn nên chủ động tối ưu hóa độ nhạy thị giác của mình, bằng cách tăng độ tập trung khi quan sát, đưa ánh mắt lướt nhanh và dứt khoát khi cần đổi hướng nhìn, tránh bị ảnh hưởng bởi những nguồn gây chói lóa, không nên nhìn kiểu “đứng tròng” (để con ngươi bất động quá lâu) những cảnh vật tĩnh có ít màu sắc tương phản, và tránh nhìn lâu những đối tượng 2D có độ sáng cao hoặc thấp như màn hình điện thoại và TV. Cần nhớ rằng trong cuộc sống hiện đại, màn hình của các thiết bị nghe nhìn ngày càng thể hiện sống động và trông rất thực, nhưng chúng vẫn chỉ là sự giả lập cảm giác 3D. Do đó, đừng để chính bạn và con cái bạn bị đánh lừa bởi các màn hình rực rỡ cho dù chúng có cao cấp và đắt tiền đến đâu : màn hình là cách tàn nhẫn nhất và hiệu quả nhất để giả lập chiều sâu của cảnh quan và hình khối vật thể, trong khi vẫn giữ bạn ngồi yên ở một khoảng cách bất biến mà không cần điều tiết con ngươi cũng như các tế bào cảm quang ở đáy mắt. Nó cho bạn cảm tưởng nhìn thấy nhiều thứ hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn và một không gian hẹp hơn, nhưng kỳ thực nó cũng làm cặp mắt bạn giảm độ linh hoạt, thiếu tập luyện điều tiết một cách tự nhiên, và thần kinh thị giác nhận diện theo kiểu “đơn giản hóa” không gian ba chiều. Ngày nay, không thể tránh việc xem màn hình, nhưng bạn vẫn nên hãy giữ thói quen tập nhìn không gian 3D thật, có đủ sắc màu-hình khối-chuyển động, nhằm duy trì sự chính xác cho võng mạc và thần kinh thị giác của mình. Đó là cách bạn duy trì nhãn lực một cách tự nhiên và tốt cho sức khỏe chung.

Một bài tập lý tưởng và miễn phí cho mục tiêu này là hãy ra ban công mỗi sáng sớm trong khoảng 6g30 đến 8g, nhìn khung cảnh đời thường bên ngoài trong ánh nắng ban mai chưa quá gắt. Hãy chuyển động nhẹ nhàng và chậm rãi cặp mắt bạn một cách tuần tự giữa các mảng màu tĩnh khác nhau của cây cối, tường nhà, mái ngói, mặt đường ; sau đó tập trung theo dõi một số xe cộ đang chuyển động. Giữ ánh nhìn như vậy trong khoảng 10 phút, bạn sẽ thấy mắt mình cho cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Bài tập đơn giản đó sẽ giúp bạn khởi động cặp mắt và thị giác cho một ngày mới, theo cách thức thuận với tự nhiên và có lợi cho nhãn lực nhất. Tác dụng hữu ích tương tự cũng sẽ có nếu bạn tranh thủ quan sát cảnh vật lúc chiều tà (trời đang tắt nắng).